Trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không biết cách diễn tả tình trạng sức khỏe của bản thân qua lời nói hay hành động. Nhưng “soi” màu sắc và tình trạng phân của trẻ bố mẹ có thể biết được con đang khỏe hay ốm yếu.
Tình trạng phân bình thường của trẻ
Các chuyên gia nhận định rằng không có quy tắc nào cố định cho việc bé sẽ thải ra “sản phẩm” như thế nào được gọi là bình thường. Kể cả màu sắc hay tình trạng kết cấu của phân cũng sẽ thay đổi trong mức độ cho phép tùy thuộc vào chế độ ăn của trẻ. Ví dụ nếu trẻ ăn nhiều rau xanh trong bữa trưa, buổi chiều phân bé có thể có xu hướng có màu xanh đen hơn, hay khi trẻ mới ăn dặm được bố mẹ cho ăn thanh long đỏ, phân bé cũng có thể chứa một phần sản phẩm chưa được tiêu hóa. Kết cấu của phân cũng sẽ thay đổi tùy vào việc trẻ được cung cấp đủ chất lỏng hay không. Nếu bé uống đủ sữa, nước và canh mỗi ngày, phân bé sẽ có xu hướng mềm hơn còn nếu trẻ không uống đủ nước thì sẽ rắn hơn. Ngoài ra, thời gian đi ngoài của trẻ cũng không cố định. Có những em bé đi đại tiện rất đều đặn mỗi ngày 1 lần, cũng có những em bé 2 ngày mới “giải quyết” một lần. Tình trạng này hoàn toàn bình thường nếu bố mẹ thấy con vẫn ăn ngon, ngủ đủ, chơi vui.
Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài nhiều hơn bình thường hoặc bố mẹ nhận thấy tình trạng phân của con mình thay đổi liên tục trong vòng vài ngày, thì có thể để ý xem màu sắc và kết cấu có nằm trong danh mục các loại hình thái bất thường như sau không nhé/

Tình trạng phân bất thường của trẻ
Tình trạng phân bất thường là phân có kết cấu, màu sắc khác với bình thường. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến điều này. Các trường hợp thường gặp bao gồm:
1. Phân nhầy trắng hoặc xanh
Tình trạng này thường gặp khi con bị rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp như sổ mũi, nghẹt mũi, ho có đờm… Nếu bố mẹ quan sát thấy tình trạng hô hấp và của bé vẫn bình thường mà lại đi phân nhầy thường xuyên thì cần phải đưa con đi khám vì rất có thể trẻ bị rối loạn ngay ở màng nhầy của ruột.
2. Phân nhầy, có lẫn mủ
Nếu trong chất nhầy lẫn trong phân có cả mủ thì khả năng cao trẻ đang bị viêm một bộ phận nào đó của cơ quan tiêu hóa. Mủ là các bạch huyết cầu, các vi trùng đã chết lẫn với các mảnh niêm mạc bị bong ra.
3. Phân có lẫn máu
Nếu bạn thấy tã hay trong bô của trẻ có máu, hoặc rõ hơn là có máu chảy ở hậu môn của bé thì chứng tỏ bé bị chảy máu đường tiêu hóa do nguyên nhân nào đó (ví dụ polip trực tràng, đại tràng), nhất định phải đưa con tới bác sĩ ngay. Bố mẹ có thể cẩn thận hơn bằng cách giữ lại phần bỉm hoặc lấy một ít phân để vào một lọ nhỏ đã rửa sạch, mang tới bệnh viện để làm xét nghiệm.
4. Phân màu vàng nhạt đến trắng
Phân màu trắng có thể là biểu hiện của gan hoạt động yếu, có bệnh gan hoặc tắc ống mật ở các trẻ sơ sinh. Trong trường hợp này bố mẹ cần cho con đi khám để được chỉ định điều trị sớm.
5. Phân lỏng
Phân lỏng là dấu hiệu của tiêu chảy. Bố mẹ có thể nhận biết được con bị tiêu chảy thông qua các tình trạng sau:
- Phân của bé rất lỏng
- Đi ngoài thường xuyên hơn so với bình thường
- Phân trào ra khỏi tã lót
- Xuất hiện máu trong phân.
- Nếu trẻ bị tiêu chảy, nguyên nhân có thể là do:
- Nhiễm trùng như viêm dạ dày ruột
- Ăn hoặc uống quá nhiều trái cây, nước hoa quả
- Phản ứng với thuốc
- Nhạy cảm quá mức hoặc dị ứng một loại thức ăn nhất định.
- Rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột
Tình trạng tiêu chảy có thể sẽ biến mất trong vòng 24 giờ mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh không thuyên giảm, thậm chí đi tiêu liên tục phân lỏng hơn 6 lần/ngày, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Điều này giúp con tránh khả năng bị mất nước quá nhiều.
6. Phân rắn
Phân rắn là biểu hiện của táo bón ở trẻ. Lúc này bé sẽ có hiện tượng đỏ mặt, căng thẳng và phải cố hết sức để rặn khi đại tiện. Đây là hiện tượng khá phổ biến. Bé có thể bị táo bón nếu như:
- Con gặp nhiều khó khăn khi đại tiện
- Phân nhỏ và ráo hoặc đôi lúc lại lớn, cứng hơn so với bình thường
- Bụng của bé luôn căng
- Xuất hiện máu trong phân. Có thể do các vết nứt nhỏ ở hậu môn bị chảy máu khi bé cố gắng thải phân ra ngoài.
- Một vài nguyên nhân gây táo bón thường gặp:
- Trẻ bị sốt dẫn đến mất nước
- Lượng chất lỏng con hấp thụ hàng ngày thay đổi
- Thực đơn của bé thay đổi với những chất con chưa thích ứng kịp
- Một số loại thuốc nhất định.
- Rối loạn vi khuẩn đường ruột
Để làm dịu tình trạng táo bón của bé, bạn có thể cho con uống nhiều nước, dùng các thực phẩm giàu chất xơ, massage bụng hoặc tập thể dục với tư thế cho con nằm co hai chân lên xuống như động tác đạp xe.
Khi thấy tình trạng táo bón của con trở nên nghiêm trọng, bạn nên đưa con đến bác sĩ khám, đặc biệt là khi có máu trong phân. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán tìm ra nguyên nhân gây bệnh để từ đó điều trị.
Trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón rất đáng lo ngại vì sẽ gây nên hội chứng kém hấp thu ở trẻ. Trẻ thường dễ mệt mỏi, sụt cân hoặc chậm phát triển thể chất vì tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
